Luật sư nói gì về việc người dân lắp barie ngăn xe ở Hà Nội?
Những chiếc barie này được hạ xuống và khóa lại trong giờ cao điểm buổi sáng từ 7 đến 8 giờ 30.Theo người dân, trong giờ cao điểm, rất nhiều xe chạy vào ngõ để đi tắt lên cầu vượt Ngã Tư Sở gây ùn tắc, ảnh hưởng đến cuộc sống của họ. Việc đi tắt này giúp chỉ mất 2-3 phút để lên cầu thay vì 10-15 phút nếu theo trục chính từ Thượng Đình rẽ sang Trường Chinh và quay đầu.
Trong khi đó, người dân trong ngõ lại cho hay khi chưa chặn barie, ngõ thường xảy ra ùn tắc, khói bụi, chửi mắng nhau. Xe cộ chen kín lối đi cũng khiến một số hộ dân không mở được cửa. Đến nay, chính quyền địa phương vẫn đang xử lý tình trạng này.
Luật sư Đào Thị Bích Liên, Văn phòng luật sư Hà Hải và Cộng sự, cho hay việc lắp barie trên đường công cộng hoặc lối đi chung mà không được cơ quan chức năng cho phép có thể bị xem là hành vi xâm phạm quyền sử dụng tài sản công hoặc cản trở giao thông công cộng.Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP quy định sẽ xử phạt 2 đến 3 triệu đồng (cá nhân) và 4 đến 6 triệu đồng (tổ chức) đối với hành vi gây khó khăn cho việc đi lại của người khác. Bên cạnh đó, cá nhân vi phạm còn bị áp dụng biện pháp buộc phải tháo dỡ rào chắn barie trái phép và khôi phục lại tình trạng ban đầu.
Nếu gây hậu quả nghiêm trọng như tai nạn, ùn tắc lớn, người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cản trở giao thông đường bộ theo Điều 261 Bộ luật Hình sự năm 2015 bổ sung năm 2017.Theo đó, chính quyền địa phương cần kiểm tra và xử lý vi phạm, yêu cầu tháo dỡ các barie lắp đặt trái phép trong ngõ/hẻm và hỗ trợ người dân thực hiện các biện pháp khác như: Lắp đặt camera an ninh, đặt biển báo hạn chế tốc độ, tải trọng… Đồng thời thành lập tổ tự quản trong khu vực để đảm bảo trật tự xã hội và an toàn giao thông.Đối với người dân xung quanh nếu bị ảnh hưởng từ rào chắn barie trái phép có thể gửi đơn phản ánh đến UBND cấp phường, xã buộc người có hành vi lắp đặt barie trái phép phải tháo dỡ khôi phục lại hiện trạng ban đầu.
Như vậy, việc lắp barie chỉ được phép khi tuân thủ đúng quy định pháp luật và có sự đồng ý từ cơ quan chức năng. Nếu không, đây là hành vi vi phạm, gây ảnh hưởng đến quyền tự do đi lại và trật tự giao thông. Cơ quan chức năng cần nhanh chóng xử lý để đảm bảo quyền lợi và sự hài hòa giữa các bên.