Bị hại của Tân Hoàng Minh muốn bị cáo được khoan hồng
Ngày 20-3, phiên tòa xét xử bị cáo Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh (Tập đoàn Tân Hoàng Minh) và 14 đồng phạm cùng về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” tiếp tục với phần xét hỏi.Xin giảm nhẹ hình phạtTrong ngày xét xử thứ 2 này, HĐXX để các bị hại trình bày quan điểm về giải quyết bồi thường cũng như đề nghị liên quan đến hình sự với 15 bị cáo.Đa số bị hại đều ghi nhận sự “tự nguyện, chân thành” của Tân Hoàng Minh khi nộp lại tiền khắc phục hậu quả của vụ án nên họ xin giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo.
Trình bày tại tòa, bà Cao Minh Hằng nói không biết gì về đầu tư trái phiếu nhưng thấy Tân Hoàng Minh là công ty lớn, có tên tuổi nhiều năm nên cùng 2 con gái ký 3 hợp đồng mua trái phiếu, tổng trị giá 500 triệu đồng. Bà Hằng cho biết đã được trả lãi nhiều lần, đúng cam kết về thời gian, đồng thời bày tỏ mong muốn các bị cáo được hưởng sự khoan hồng của pháp luật để tiếp tục sản xuất – kinh doanh.Bị hại Nguyễn Thị Minh Hải đề nghị HĐXX tuyên trả luôn số tiền cho các bị hại để họ sớm nhận lại tài sản và ổn định cuộc sống.
Bà cũng mong HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt đối với 15 bị cáo, tạo điều kiện để họ sớm ra ngoài xã hội tiếp tục cống hiến.Tương tự, bị hại Nguyễn Thị Tố Nga trình bày muốn nhận lại số tiền đã mua trái phiếu của Tân Hoàng Minh ngay tại phiên tòa chứ không đợi đến lúc kết thúc. “Số tiền gốc của chúng tôi Tân Hoàng Minh khắc phục nhưng chúng tôi chưa nhận được.
Đây là tang vật vụ án nên ngay tại phiên tòa này xin HĐXX ra phán quyết cho chúng tôi nhận được tiền gốc” – bà Nga nêu ý kiến.Tôn trọng phán quyết của tòaTrong khi đó, một số bị hại khác trình bày hoàn cảnh khi đã bỏ nhiều tiền mua trái phiếu Tân Hoàng Minh để rồi mất tiền, chịu những thiệt hại khó có thể đong đếm. Họ cũng bày tỏ mong muốn sớm nhận lại tiền gốc và lãi ngay sau phiên tòa sơ thẩm để giải quyết khó khăn trong cuộc sống.
Trong phần diễn biến trước đó của phiên tòa, 2 bị cáo Trần Hồng Sơn và Nguyễn Mạnh Hùng (cùng là Phó Tổng Giám đốc Tân Hoàng Minh) đều khai bản thân cũng ký hợp đồng mua nhiều trái phiếu. Song song đó là thuyết phục người thân, bạn bè tham gia ký hợp đồng mua trái phiếu của Tân Hoàng Minh.Cụ thể, bị cáo Trần Hồng Sơn khai con trai, con dâu của bị cáo mua trên 1 tỉ đồng trái phiếu Tân Hoàng Minh và người cháu mua hơn 1,2 tỉ đồng.
Bị cáo Nguyễn Mạnh Hùng cũng nói cùng nhiều người thân trong gia đình như bố mẹ, em, mẹ vợ… tham gia mua trái phiếu Tân Hoàng Minh.Bị cáo Hùng lý giải bản thân chỉ nghĩ phát hành trái phiếu là kênh huy động vốn để có dòng tiền phục vụ hoạt động sản xuất – kinh doanh và nhà đầu tư có lợi. Bên cạnh đó, Tân Hoàng Minh chưa bao giờ nhận đơn khiếu nại của nhà đầu tư về chậm hay không trả lãi và bị cáo thấy công ty hoạt động tốt.
Được trình bày trước tòa, bị cáo Đỗ Anh Dũng khẳng định các khoản tiền lãi trong hợp đồng giữa Tân Hoàng Minh và các bị hại (nhà đầu tư) mà đến hạn trước thời điểm bị cáo bị bắt thì xin nhận trách nhiệm trả số tiền đó. “Còn những khoản tiền lãi tính từ sau thời điểm bị cáo bị bắt, bị cáo tuân theo quyết định của HĐXX” – bị cáo Đỗ Anh Dũng nói và cho biết đã khắc phục hơn 8.600 tỉ đồng và nộp thừa hơn 1 tỉ đồng.
Bị cáo Đỗ Anh Dũng nói thêm về nguyên tắc, đây là vụ án hình sự về xâm phạm sở hữu, khi bị cáo bị bắt thì hợp đồng vô hiệu. Về bản chất, tất cả số tiền đó đang đưa vào kinh doanh và chưa phát sinh lợi nhuận nên bị cáo phải thu hồi. “Do đó, ở đây chỉ còn vấn đề về tinh thần tự nguyện và thái độ thiện chí của Tân Hoàng Minh” – bị cáo Đỗ Anh Dũng trình bày.
Hôm nay, 21-3, phiên tòa bước sang phần tranh tụng. “Nhận thức chưa đầy đủ”Trước đó, trong phần xét hỏi ngày 19-3, ông chủ của Tân Hoàng Minh khai năm 2021 tập đoàn có nhu cầu thêm vốn nên trao đổi với con trai là Đỗ Hoàng Việt, Phó Tổng Giám đốc Tân Hoàng Minh, để tìm nguồn tài trợ vốn. Việt đề xuất phát hành trái phiếu, bị cáo Dũng đồng ý đề ra chủ trương rồi giao con trai thực hiện.
Bị cáo Đỗ Anh Dũng thừa nhận ngay từ khi ra chủ trương phát hành trái phiếu, trong thâm tâm chưa bao giờ nghĩ đó là chiếm đoạt tài sản mà chỉ nhằm huy động vốn lấy tiền kinh doanh đầu tư, thanh toán hợp đồng.Theo bị cáo Dũng, giai đoạn đó, bị cáo nhận thức về hoạt động phát hành trái phiếu chưa được đầy đủ. Đến khi bị cơ quan điều tra tạm giữ rồi bắt tạm giam, bị cáo mới nhận thức được rõ hành vi của mình.
Từ đó, bị cáo đề nghị được khắc phục hậu quả và tích cực thực hiện việc này.