"Chúc xuân" ấn tượng của Hoài An
Nhạc sĩ Hoài An phổ thơ Lâm Xuân Thi mang đến ca khúc Chúc xuân ấn tượng với giai điệu quê hươngNói về ý tưởng kết hợp nhạc cụ dân tộc vào ca khúc mới của mình, nhạc sĩ Hoài An cho biết từ đầu những năm 2000 anh đã bắt đầu sử dụng chất liệu âm nhạc truyền thống cũng như nhạc cụ dân tộc vào trong các sáng tác cũng như phần hòa âm phối khí. Tuy nhiên từ 2013 đến nay thì hướng đi này ngày càng rõ nét và trở thành “ưu tiên” trong âm nhạc của mình. “Tôi luôn mong muốn có sự xuất hiện của các nhạc cụ dân tộc trong một clip nhạc Tết, với các nghệ sĩ biểu diễn hàng đầu.
Trong “Chúc xuân”, chúng tôi cố gắng làm chuẩn từ phần hòa âm phối khí, thu âm, hậu kỳ âm thanh, cũng như phần ghi hình, hậu kỳ video… sao cho hay và đẹp nhất” – nhạc sĩ Hoài An cho biết.Trong ca khúc “Chúc xuân” ngoài nhạc cụ dân tộc còn có sự xuất hiện của violin. Nhiều ý kiến cho rằng nhạc sĩ Hoài An hơi “tham lam” khi kết hợp “Tây và Ta”.
Nhạc sĩ Hoài An cho biết: “Trong một MV nhiều màu sắc như “Chúc xuân”, mỗi sự xuất hiện đều được tính toán sao cho có điểm nhấn, sự khác biệt. Ca – nhạc sĩ Hiền Lê thường hát và biểu diễn Violin kết hợp, nên chúng tôi đưa câu Violin ngắn vào sau phần hát của cô để giới thiệu “Vĩ cầm ca” cho thêm phần sinh động”. Là tác giả của bài thơ “Chúc xuân” được phổ nhạc, nhà thơ Lâm Xuân Thi chia sẻ: “Tôi chỉ là tác giả lời, nên việc thực hiện MV “Chúc Xuân” là do nhạc sĩ toàn tâm toàn ý.
Cá nhân tôi thấy các bạn làm việc chuyên nghiệp, có chuyên môn cao …”Nhà thơ Lâm Xuân Thi là người có những góc nhìn về cuộc sống rất độc đáo. Nói về tác phẩm “Chúc xuân”, nhà thơ cho biết: “Tôi thường dùng từ cô đọng hơn là chi tiết…Vì cuộc đời nhiều vô kể, có nói ra bao nhiêu cũng không hết. Mà kiếp người thì chỉ gói ghém có trăm năm…”.
Khi bài thơ “Chúc xuân” được phổ nhạc, nhà thơ Lâm Xuân Thi nói: “Đó là niềm vui lớn nhất của một nhà thơ. Niềm vui của người viết thơ, là được người làm nhạc hiểu thơ mình…”. Với ông, “nhờ nhạc thơ mới được phổ biến hơn” nên ông luôn cảm ơn các nhạc sĩ phổ thơ mình.
Nhận định về ca khúc “Chúc xuân”, nghệ sĩ Cao Hồ Nga nói: “Chúc xuân được viết trên giai điệu âm hưởng dân gian, được phối hiện đại nhạc nhẹ, khi kết hợp nhạc cụ dân tộc với nhạc điện tử thì sẽ có màu sắc riêng, không nhàm chán”.